
Những điều cần biết, Khi con trẻ khò khè
Các nguyên nhân gây khò khè
- Dị ứng: Một số trẻ dị ứng với đạm sữa bò, khi trẻ bú sữa bò, tiếp xúc dị nguyên làm cơ thể tạo ra đàm, do trẻ nhỏ không tự xì mũi cũng như không khạc đàm được, nên đàm bị tắc trong đường thở, và gây khò khè.
- Viêm phế quản khò khè: Là bệnh lý nhiễm trùng đường hô hấp, thường xảy ra khi trời lạnh, thường do siêu vi trùng. Trẻ thường sốt, sổ mũi, ho, thở khò khè. Viêm họng siêu vi thường gặp ở trẻ nhỏ. Thường là nhiễm siêu vi đã hết, nhưng đàm vẫn còn trong họng vài tuần. Điều này cắt nghĩa tại sao trẻ nhỏ cảm ho thường khò khè. Một số trẻ dị ứng thời tiết, cũng bị đàm nhiều trong họng.
- Trào ngược dạ dày thực quản: Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ hay nôn trớ vì dạ dày của bé nằm ngang, cơ vòng thực quản dưới hoạt động chưa hiệu quả, gây trào ngược sữa và dịch acid từ dạ dày lên thực quản. Một số bé ọc nhiều, sữa trào lên mũi và có thể hít vào đường thở, gây khò khè tái đi tái lại.
Xử trí khò khè
- Thuốc: Thuốc ho và thuốc tan đàm thường không giúp ích gì cho trẻ nhỏ, thậm chí, thuốc tan đàm có thể gây co thắt đường thở trẻ, vì vậy, không nên dùng thuốc này cho trẻ dưới 2 tuổi. Nếu trẻ bị viêm phế quản khò khè, có thể phun khí dung với Albuterol pha với nước muối sinh lý, để giúp giãn phế quản. Albuterol không có hiệu quả giảm khò khè do nguyên nhân khác.
Lưu ý không nên dùng thuốc sổ mũi cho trẻ sơ sinh và nhủ nhi vì thuốc vừa làm khô đàm, vừa gây ngủ nhiều, không tốt cho trẻ.

- Nhỏ mũi: Khi nào cần rửa mũi? Khi trẻ có tình trạng viêm mũi, ngạt và chảy nước mũi nhiều, thở khó, thở khò khè do nhiều đàm. Rửa trước khi đi ngủ hoặc trước khi bú (vì sau bú trẻ sẽ dễ ọc). Nhỏ 3 giọt nước muối 0,9% vào mũi trẻ. Chờ 30 – 60 giây, cho trẻ nằm nghiêng trái, cho đàm chảy ra. Dùng khăn giấy lau mũi.
- Rửa mũi với nước muối và hút mũi

» Dùng khăn mềm nhẹ nhàng lau sạch mũi, miệng trẻ. Trấn an con vài phút trước khi quay bé nằm nghiêng sang phía ngược lại để rửa tiếp lỗ mũi bên kia của bé. Cách làm tương tự. Nếu dịch mũi quá đặc và không thể trôi ra theo nước, có thể dùng dụng cụ hút mũi để hút cho trẻ.
» Dụng cụ hút mũi: Ống tiêm bóp. Chú ý đưa ống tiêm vào sâu 1/4 chiều dài mũi và hút nhẹ nhàng. Hút mũi này xong, nghỉ một lát rồi hút mũi kia. Rửa mũi cho đến khi nước rửa chảy ra màu trong, không còn dịch mũi nhầy. Sau khi hút mũi xong, vệ sinh dụng cụ với dung dịch xà bông ấm và để khô. Nếu ống tiêm bóp có nhiều đàm bẩn, nên sát trùng bằng dung dịch cồn.
Lưu ý: Một số việc không nên làm
» Trẻ sơ sinh bình thường, khỏe thì không cần rửa mũi. Rửa mũi nhiều (trên 3 lần/ngày) làm mất đi chất nhầy tự nhiên, mất đi lớp bảo vệ niêm mạc, giúp tạo độ ẩm, ngăn chặn bụi bẩn trong khoang mũi, khiến mũi trẻ bị chảy nước mũi, ảnh hưởng tới niêm mạc mũi, khô mũi thậm chí dễ gây nên viêm nhiễm mãn tính.
» Không nên lạm dụng hút mũi vì cách này có thể tạo áp lực gây tổn thương niêm mạc mũi. Tránh hút mũi quá nhiều lần ( > 3 lần/ ngày), có thể gây trầy xước niêm mạc mũi, chảy máu mũi.
» Khi mũi đang viêm (mũi ngạt) mà chúng ta dùng xy lanh bơm nước muối sinh lý vào một bên thì bên kia sẽ không chảy ra được. Nước muối không có đường ra sẽ xì ra bên tai. Bởi vậy mà nhiều trẻ khi bị viêm mũi, viêm xoang không khỏi lại thường bị thêm viêm tai giữa do dịch mủ ở tai.
» Tránh dùng miệng hút mũi cho bé, vì cách này có thể vô tình làm trẻ mắc các bệnh về đường hô hấp khác.
- Cho trẻ tăng cường bú mẹ, uống nhiều nước để giúp loãng đàm. Sử dụng kháng sinh theo y lệnh thầy thuốc khi có dấu hiệu nhiễm trùng như đàm xanh… Đặt trẻ tư thế đầu cao bằng cách lót khăn dưới vai trẻ, giúp trẻ dễ thở hơn.
Khi nào mang trẻ khám ngay
- Quan sát kiểu thở của trẻ khi trẻ khỏe, giúp ba mẹ quen với kiểu thở bình thường của trẻ và có thể nhận biết khi trẻ thở bất thường. Tập đếm số nhịp trẻ thở trong 1 phút, vì trẻ nhỏ thường thở không đều, có lúc thở nhanh, sau đó ngưng thở 5 – 10 giây và thở lại.
- Cần mang trẻ đến bệnh viện hay cơ sở y tế gần nhất khám ngay khi trẻ có 1 trong các dấu hiệu sau:
» Thở nhanh > 60 lần/ phút.
» Thở mệt: trẻ thở có tiếng rên vào cuối thì thở ra, phập phồng cánh mũi trong khi thở, cơ vùng cổ và ngực trẻ co lõm sâu hơn bình thường.
» Hay tím môi, tím lưỡi. Lưu ý nhiều trẻ nhỏ bị lạnh sẽ tím bàn tay, bàn chân, nhưng môi hồng, đây không là dấu hiệu nguy hiểm.
» Bú kém: khi trẻ thở mệt, thường kèm theo bú kém, là bú giảm một nửa so với bình thường.
» Li bì, lừ đừ: trẻ thở mệt thì năng lượng cơ thể trẻ giảm và trẻ bị lừ đừ.

Phòng ngừa khò khè trẻ nhỏ
- Tránh khói thuốc lá, khói bụi.
- Khuyến khích cho trẻ bú mẹ, trong sữa mẹ có kháng thể, giúp trẻ ít bị các bệnh lý nhiễm trùng đường hô hấp. Theo một nghiên cứu tại Mỹ, trẻ bú mẹ trên 3 tháng kèm giảm 20% nguy cơ khò khè so với nhóm trẻ bú mẹ dưới 3 tháng hoặc không bú mẹ.
- Trong gia đình ba mẹ hay anh chị em cảm cúm không nên tiếp xúc gần trẻ, không nên chăm sóc trẻ.
- Không nên gửi nhà trẻ quá sớm: Một nghiên cứu tại Mỹ cho thấy những trẻ gửi nhà trẻ sớm trong năm đầu có nguy cơ khò khè gấp 2,7 lần trẻ không gửi nhà trẻ. Các nhà nghiên cứu nhận thấy trẻ bị viêm hô hấp trong vòng 3 tháng đầu sau sanh sẽ có nguy cơ bị khò khè tái phát gấp 3 lần trẻ không bị viêm hô hấp trong 3 tháng đầu.
- Nhận biết sớm dị ứng, trào ngược dạ dày thực quản để can thiệp sớm, tránh biến chứng gây khò khè.
BS CKII Cam Ngọc Phượng
– Trưởng khoa Nhi
– BV Quốc tế Hạnh phúc
Theo Tạp chí Sức Khỏe – khoe24h.vn